Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, không chỉ được biết đến là một thảo nguyên tươi đẹp, rộng lớn, có không khí trong lành, mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, mà còn có nhiểu lễ hội truyền thống được gìn giữ, phục dựng.
Các lễ hội ở đây đều mang nội dung xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân; đặc biệt là lễ hội Hết Chá của đồng bào dân tộc Thái được tổ chức vào tháng 3 hàng năm
Phục dựng, tái hiện lễ hội Hết Chá
Lễ hội Hết Chá là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc; đồng thời là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đây còn là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no, hạnh phúc và thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái.
Được biết, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy cúng cũng vừa là người bốc thuốc Nam, đã chữa khỏi bệnh cho những người ốm và thầy cúng nhận họ làm con nuôi. Hàng năm, thầy cúng tổ chức lễ hội Hết Chá chính là lễ tạ ơn của những người được thầy mo chữa khỏi bệnh; đồng thời là lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần linh đã giúp cho con người sống ở trần gian duy trì được cuộc sống, đoàn kết xây dựng bản làng và cầu cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu. Mang ơn thầy các con nuôi lại đến tạ ơn, nhưng lúc đó là thời điểm đầu năm đang bận rộn cho Tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Từ đó, có lễ hội Hết Chá.
Theo ông Vì Văn Phịnh (bản Áng, xã Đông Sang), lễ hội Hết Chá rất có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Thái ở Mộc Châu. Lễ hội không chỉ là dịp tạ ơn thầy thuốc, thầy mo đã cứu chữa khỏi bệnh cho dân bản, mà còn giáo dục và dạy con cháu cách làm ăn, cách sống. Lễ hội còn có ý nghĩa cầu sức khỏe, may mắn, mưa thuận, gió hòa cho dân bản; đồng thời là dịp để trai gái gặp gỡ, thành vợ, thành chồng.
Đồng bào dân tộc Thái xưa chủ yếu sống dựa vào thiên nhiên, chính vì vậy việc tìm thức ăn cũng dựa vào săn bắn, hái lượm. Tại lễ hội, các nghệ nhân đã tái hiện lại một chuyến đi săn, bắt cá dưới suối; cách người Thái xưa tập cho trâu cày ruộng. Cùng với đó là các tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn được biểu diễn đan xen để phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật. Ngoài ra, người dân và du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian, xem cách người Thái xưa lấy lửa bằng tre và thưởng thức những món ăn dân tộc hấp dẫn.
Lễ hội Hết Chá của đồng bào dân tộc Thái nơi đây mang nhiều giá trị lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.